Nhà Hoàn Công Là Gì? 5 Lưu Ý Quan Trọng Đối Với Nhà Hoàn Công
Trên thực tế, có nhiều trường hợp nhà xây xong chưa làm thủ tục hoàn công, chủ nhà muốn bán nhưng không thể sang tên sổ hồng cho người khác. Vậy thì nhà hoàn công là gì?
Hãy cùng nhadatkygui.net tìm hiểu nhà hoàn công là gì và những thông tin quan trọng đối với nhà hoàn công trong bài viết dưới đây.
Khái niệm nhà hoàn công là gì

Trước khi giải thích khái niệm nhà hoàn công là gì, ta cần biết được định nghĩa hoàn công trong xây dựng là gì.
Hoàn công xây dựng hay hoàn công là việc đăng ký sở hữu công trình xây dựng tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Sau khi được cấp giấy phép xây dựng, thực hiện xong việc thi công và nghiệm thu công trình, hoàn công là giai đoạn cuối cùng trong quá trình xây dựng, là thủ tục hành chính nhằm hoàn thiện pháp lý cho công trình.
Khái niệm hoàn công nhà ở cũng tương tự như hoàn công xây dựng. Thủ tục hoàn công nhà ở do chính chủ nhà hay chủ đầu tư tự thực hiện.
Sau khi làm thủ tục hoàn công nhà ở, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xác nhận việc thay đổi thực trạng trên đất vào Giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (hay còn gọi là Sổ hồng).
Nhà sau khi hoàn công được công nhận về mặt pháp lý thì gọi là nhà hoàn công.
5 lưu ý quan trọng đối với nhà hoàn công
Tại sao phải hoàn công nhà sau khi xây dựng?
Việc hoàn công nhà mang ý nghĩa quan trọng đối với chủ nhà. Sau đây là những lý do tại sao phải hoàn công nhà sau khi xây dựng:
Thứ nhất, hoàn công nhà là điều kiện để được cấp đổi sổ hồng sau khi xây dựng nhà ở trên đất.
Thứ hai, hoàn công nhà sau khi xây dựng để được cập nhật hiện trạng nhà trong sổ hồng, đảm bảo giá trị về mặt pháp lý cho ngôi nhà, hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở cho chủ nhà, thuận lợi cho việc sửa chữa, cải tạo nhà ở sau này.

Thứ ba, khi vay vốn ngân hàng có thế chấp tài sản, nhà đã hoàn công sẽ thuận tiện hơn trong quá trình thẩm định vì có giấy tờ chứng nhận đăng ký sở hữu tài sản và được định giá cao hơn.
Thứ tư, đối với các giao dịch chuyển nhượng, mua bán nhà đất thì nhà hoàn công được quyền sang tên đổi chủ theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, nhà ở được pháp luật quy định là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu. Việc hoàn công nhà là điều kiện bắt buộc để tiến hành đăng ký quyền sở hữu nhà.
Các loại giấy tờ cần thiết để làm thủ tục hoàn công nhà
Để thuận tiện và tiết kiệm thời gian cho chủ đầu tư, quý bạn đọc cần lưu ý chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết dưới đây trước khi làm thủ tục hoàn công nhà:
- Bộ giấy phép xây dựng
Trong đó bao gồm Giấy phép xây dựng, Hợp đồng thi công xây dựng, Báo cáo kết quả khảo sát xây dựng, Hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công xây dựng, Báo cáo kết quả thẩm tra kèm theo văn bản kết quả thẩm định bản vẽ thi công (kết quả của quá trình duyệt bản vẽ thi công kèm theo văn bản trả kết quả duyệt hồ sơ xin phép xây dựng thuộc thẩm quyền của Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai).

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ hồng);
- Căn cước công dân của chủ sở hữu;
- Bản vẽ hiện trạng vị trí;
- Đơn xin hoàn công;
- Biên bản nghiệm thu công trình;
- Bản vẽ hoàn công;
- Thông báo nộp lệ phí trước bạ;
- Đối với các công trình có vận hành thang máy thì cần có văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về an toàn PCCC, an toàn vận hành thang máy.
Trên đây là những loại giấy tờ theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trong thực tế khi tiến hành thủ tục xin hoàn công nhà, thì tùy từng địa phương sẽ có những yêu cầu khác nhau.
Do đó, trong khuôn khổ bài viết cung cấp kiến thức Nhà hoàn công là gì, lời khuyên là sau khi nghiệm thu công trình thì chủ nhà nên tìm đến các cá nhân, tổ chức uy tín và có kinh nghiệm làm thủ tục hoàn công nhà tại địa phương để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.
Những trường hợp xây nhà được miễn hoàn công
Hầu hết khi xây dựng nhà ở tại đô thị thì người dân đều phải xin phép xây dựng và làm thủ tục hoàn công. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp được miễn hoàn công khi xây nhà, đó là:
- Xây dựng nhà cấp IV, nhà ở riêng lẻ dưới 7 tầng tại nông thôn không dính quy hoạch;
- Xây dựng nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo;
- Nhà xây dựng tạm để phục vụ thi công công trình khác;
- Xây nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 7 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị;
- Dự án nhà ở thuộc quy hoạch 1/500.
Những trường hợp xây nhà nêu trên chỉ cần gửi thông báo cho cơ quan chức năng về thời điểm khởi công xây dựng, mà không cần xin cấp giấy phép xây dựng. Và vì thế sau khi nghiệm thu công trình cũng được miễn thủ tục hoàn công.
Hậu quả pháp lý khi xây nhà không hoàn công
Trên thực tế, có nhiều chủ nhà sau khi xây dựng nhà thường ngại vấn đề hoàn công vì thủ tục rườm rà, tốn nhiều thời gian, chi phí. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều căn nhà đã hoàn thiện nhưng chưa hoàn công.
Tuy nhiên, việc không hoàn công nhà sau khi xây dựng sẽ gây ra những hậu quả pháp lý mà chủ sở hữu phải gánh chịu, thiệt thòi về tài sản không được công nhận là tài sản hợp pháp.
Nếu nhà đất dính quy hoạch bị thu hồi đất, nhà không hoàn công sẽ không được đền bù hay hỗ trợ.
Khi xảy ra tranh chấp đối với nhà không hoàn công, quyền lợi của chủ sở hữu ngôi nhà không được bảo vệ.
Việc xin phép sửa chữa, cải tạo nhà trong tương lai sẽ gặp khó khăn, vì cơ quan chức năng sẽ buộc chủ nhà phải làm thủ tục hoàn công trước, rồi mới được sửa chữa, cải tạo lại ngôi nhà.
Nhà không hoàn công cũng sẽ không được cập nhật hiện trạng nhà trên sổ hồng, đây là điểm hạn chế về pháp lý của căn nhà khi mua bán chuyển nhượng hay cấp đổi sổ hồng.
Rủi ro pháp lý mua bán nhà không hoàn công
Mặc dù có thể tiến hành thủ tục hoàn công bất cứ lúc nào sau khi công trình nhà đã hoàn thiện, nhưng rủi ro cho người mua nhà chưa hoàn công là không được công nhận tài sản trên đất khi sang tên đổi chủ trên sổ hồng. Tức là người mua chỉ được chuyển quyền sử dụng đất, không có quyền sở hữu nhà ở.
Nếu mua nhà chưa hoàn công, người mua nhà cũng không thể tự đi làm hoàn công nhà bởi vì pháp luật đã quy định người nào xin phép xây dựng thì người đó thực hiện thủ tục hoàn công.
Nhà chưa hoàn công có thê nguyên nhân là do người chủ đã xây không đúng giấy phép xây dựng nên không thể hoàn công.
Rủi ro cho người chủ mới đó là có thể bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính đối với những hạng mục xây dựng sai phép hoặc bị cưỡng chế tháo dỡ công trình sai phép, lấn chiếm. Điều này gây tốn kém chi phí và thời gian để sửa chữa các hạng mục theo đúng giấy phép xây dựng ban đầu.
Và điều quan trọng cần phải chú ý đó là nhà chưa hoàn công không phải là tài sản hợp pháp, không được bồi thường nếu bị thu hồi, không thể xin phép sửa chữa, cải tạo trong tương lai và giá trị nhà chưa hoàn công là thấp hơn giá trị của những loại tài sản được đăng ký hợp pháp khác.
Hướng dẫn thực hiện thủ tục hoàn công nhà
Thủ tục hoàn công xây dựng nhà là giai đoạn cuối cùng để hoàn tất về mặt pháp lý cho căn nhà. Trình tự thực hiện gồm các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ hoàn công
Hồ sơ hoàn công nhà bạn có thể tự chuẩn bị theo danh mục các loại giấy tờ cần thiết để làm thủ tục hoàn công. Kinh nghiệm là bạn nên photo thành 4 bộ và sao y công chứng đầy đủ.
Bước 2: Nộp hồ sơ hoàn công cho cơ quan có thẩm quyền
Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ, chủ nhà liên hệ để nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hoàn công.
- UBND cấp huyện hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai: giải quyết hồ sơ hoàn công đối với nhà ở riêng lẻ trên địa bàn quận/huyện/thị xã;
- UBND cấp xã: giải quyết hồ sơ hoàn công đối với nhà ở riêng lẻ thuộc diện quy hoạch tại nông thôn;
- Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng khu đô thị mới: đối với nhà xây mới, cải tạo trong phạm vi khu đô thị.
Bước 3: Thụ lý hồ sơ hoàn công
Cơ quan chức năng sẽ cử cán bộ xuống kiểm tra hiện trạng căn nhà so với bản vẽ trong hồ sơ, nếu tất cả hạng mục công trình phù hợp với giấy phép xây dựng thì cán bộ xác nhận vào Biên bản kiểm tra nghiệm thu cùng với chủ nhà. Quy trình này thường kéo dài trong vòng 7 ngày kể từ ngày có quyết định kiểm tra.
Hồ sơ hợp lệ sẽ được trình lãnh đạo duyệt và hẹn ngày trả kết quả. Quá trình xét duyệt hồ sơ đến khi hợp lệ kéo dài từ 3 tuần đến 1 tháng.
Bước 4: Nộp lệ phí trước bạ và nhận Giấy chứng nhận
Nếu nhà hoàn công thuộc trường hợp được miễn lệ phí trước bạ thì chủ nhà không cần nộp lệ phí trước bạ.
Nếu đã nhận được Thông báo nộp lệ phí trước bạ thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế tại địa phương (thời hạn ra Thông báo là từ 7-10 ngày), sau đó cầm theo biên lai đóng thuế đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai để nhận kết quả và Giấy chứng nhận đã cập nhật thông tin nhà ở trên đất.
(FAQs) Những câu hỏi thường gặp
Thời hạn giải quyết thủ tục hoàn công là bao lâu?
Để biết chính xác thời hạn giải quyết thủ tục hoàn công là bao lâu thì phải cộng tất cả thời hạn giải quyết tại mỗi quy trình con trong toàn bộ thủ tục hoàn công đến khi nhận được Giấy chứng nhận mới.
Thông thường, thời gian để hoàn tất thủ tục hoàn công là khoảng 30 đến 60 ngày. Thời hạn này chưa kể đến giai đoạn chuẩn bị hồ sơ; hay thời gian để sửa chữa, tháo dỡ nhà nếu vi phạm xây thêm hạng mục sai phép.
Thời hạn cũng khác nhau tùy từng địa phương khác nhau.
Hoàn công nhà ở phải đóng những loại thuế, phí gì?
Chi phí hoàn công bao gồm chi phí lập bản vẽ và lệ phí trước bạ, trừ trường hợp được miễn lệ phí trước bạ.
Chi phí lập bản vẽ do công ty dịch vụ đo đạc thực hiện có giá từ 10.000 đến 15.000 đồng/m² sàn xây dựng, lệ phí trước bạ phải nộp là 1% trên tổng giá trị căn nhà.
Sổ hồng hoàn công là gì?
Vai trò của sổ hồng hoàn công trong hoàn công xây dựng nhà là rất quan trọng, bởi đây chính là điều kiện để chủ nhà tiến hành thủ tục hoàn công, hoặc xin cấp đổi Giấy chứng nhận.
Theo đó, sổ hồng hoàn công là văn kiện ghi nhận tình trạng tài sản gắn liền với đất sau quá trình xây dựng, sửa chữa hoặc cải tạo làm thay đổi hiện trạng so với sổ hồng đã cấp ban đầu.
Xây nhà sai phép có được hoàn công không?
Xây nhà sai phép là những hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, đó là: thay đổi về vị trí xây nhà; xây không đúng diện tích, không đúng số tầng quy định; độ cao của nhà vượt ngưỡng an toàn; lấn chiếm lộ giới, chỉ giới xây dựng; xây nhà làm ảnh hưởng kết cấu của nhà liền kề,…
Xây nhà sai phép sẽ không được hoàn công và có thể bị xử phạt hành chính về trật tự xây dựng với mức phạt từ 10.000.000 – 30.000.000 đồng, bị buộc tháo dỡ hạng mục sai phép, trả lại hiện trạng như trong giấy phép xây dựng ban đầu.
Tuy nhiên trên thực tế, việc xây dựng không đúng với giấy phép xây dựng diễn ra rất phổ biến. Cũng có những trường hợp xây sai phép vẫn có thể được hoàn công khi có văn bản của cơ quan chức năng về việc xây sai phép nhưng không làm ảnh hưởng đến an toàn của công trình.
Lời kết
Bài viết trên đây là toàn bộ thông tin về nhà hoàn công nhà là gì và những lưu ý quan trọng đối với nhà hoàn công. Hy vọng những kiến thức đã chia sẻ trong bài viết sẽ giúp ích trong quá trình thực hiện thủ tục hoàn công cho căn nhà của bạn.